Tổng quan bệnh tiểu đường. Có nguy hiểm không? Có chữa được không?

54 lượt xem

Bệnh tiểu đường khiến cho tất cả các tế bào trong cơ thể lâm vào tình trạng đói năng lượng. Đây là một bệnh lý nguy hiểm. Hãy cùng OMIKAMI tìm hiểu ngay.

Tổng quan bệnh tiểu đường
Tổng quan bệnh tiểu đường

1. Tổng quan về bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường đang gia tăng mạnh mẽ tại nhiều quốc gia, là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mù lòa và tử vong. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn thờ ơ và chưa hiểu rõ về căn bệnh này.

1.1. Bệnh tiểu đường là gì?

Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là bệnh lý mãn tính, đặc trưng bởi tình trạng lượng đường trong máu tăng quá cao. Trong khi đó, cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng hiệu quả lượng insulin mà nó sản xuất ra. Insulin là một hormone quan trọng giúp điều tiết nồng độ đường trong máu.

Bệnh tiểu đường tiếng anh là Diabetes hoặc Diabetes mellitus.

1.2. Các loại bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường là một tình trạng y tế khá phức tạp và được chia thành các loại chính như sau:

Tiền đái tháo đường

Tiền tiểu đường là một trạng thái trước khi phát triển thành tiểu đường tuýp 2. Người bị tiền tiểu đường có mức đường huyết cao hơn bình thường nhưng chưa đủ cao để được chẩn đoán là tiểu đường.

Bệnh tiểu đường tuýp 1

Tiểu đường tuýp 1 xảy ra do cơ thể không thể tạo ra một loại hormone gọi là insulin, khiến mức đường huyết tăng cao. Bệnh thường xuất hiện ở trẻ em và thanh thiếu niên, cũng có một số trường hợp được ghi nhận ở người trưởng thành. Bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 phải dùng insulin để duy trì sự sống.

Tiểu đường tuýp 2

Tiểu đường tuýp 2 xảy ra khi cơ thể không tạo ra đủ lượng hormone insulin hoặc lượng hormone insulin do cơ thể tạo ra không sử dụng được. Bệnh thường xuất hiện ở người trưởng thành, nhưng có một số trường hợp được ghi nhận ở người trẻ. Tiểu đường tuýp 2 liên quan nhiều hơn đến lối sống không lành mạnh.

Tiểu đường tuýp 3

Tiểu đường tuýp 3 là một thuật ngữ liên quan đến bệnh Alzheimer. Điều này được giải thích là do có sự liên quan giữa tổn thương não do bệnh Alzheimer và khả năng sử dụng insulin của cơ thể. Khả năng sử dụng insulin kém có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh Alzheimer.

Bên cạnh các dạng tiểu đường chính, còn có một số loại tiểu đường ít phổ biến hơn (chiếm 2%). Chẳng hạn như, bệnh tiểu đường khởi phát ở người trẻ (MODY), bệnh tiểu đường sơ sinh, hội chứng Wolfram, bệnh tiểu đường tự miễn tiềm ẩn ở người lớn (LADA), bệnh tiểu đường loại 3c, bệnh tiểu đường do steroid, bệnh tiểu đường xơ nang,…

Tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ thường xuất hiện trong thời kỳ mang thai, do sự thay đổi hormone trong cơ thể người mẹ. Nó có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Vì thế, phụ nữ mang thai cần hết sức thận trọng.

Các loại bệnh tiểu đường
Các loại bệnh tiểu đường

1.3. Tình hình bệnh đái tháo đường ở Việt Nam và thế giới

Nửa cuối thế kỷ 20 đến đầu thế kỷ 21, bệnh tiểu đường đã trở thành một trong những bệnh lý không lây nhiễm phát triển nhanh nhất trên toàn cầu. Bệnh lý này đã leo lên vị trí thứ 4 hoặc thứ 5 trong danh sách nguyên nhân gây tử vong ở các nước phát triển và thường được coi là một “đại dịch” tại các nước đang phát triển.

  • Số người mắc bệnh tiểu đường đã tăng từ 108 triệu (năm 1980) lên 537 triệu (năm 2021). Trong đó, có hơn 90% là mắc bệnh tiểu đường loại 2.
  • Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường trên toàn cầu là 10,5% (20-79 tuổi), trong đó gần một nửa không biết rằng họ đang sống chung với tình trạng này. Tỷ lệ mắc bệnh này tăng nhanh hơn ở các nước có mức thu nhập thấp và trung bình so với các nước có mức thu nhập cao.
  • Đến năm 2045, dự báo của IDF (Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế) cho thấy cứ 8 người trưởng thành thì có 1 người (tức là có khoảng 783 triệu người) sẽ mắc bệnh tiểu đường, tăng 46%.
  • Đến năm 2045, ước tính tại các nước có thu nhập thấp và trung bình thì cứ 4 người trưởng thành thì có 3 người mắc bệnh tiểu đường. Và hiện tại, ở các quốc gia này thì chỉ có 10% người bệnh được chăm sóc y tế đúng cách. (theo The Lancet)
  • Tại Hoa Kỳ, gánh nặng bệnh tiểu đường loại 2 ở người trẻ tuổi đã tăng gần gấp đôi trong 20 năm qua, gánh nặng cao nhất thuộc về người da đen hoặc người Mỹ bản địa.
  • Từ năm 2000 đến năm 2019, tỷ lệ tử vong do bệnh tiểu đường tăng 3% theo độ tuổi. Năm 2019, ước tính có khoảng 2 triệu ca tử vong do bệnh tiểu đường và bệnh thận tiểu đường. Cùng với đó, đái tháo đường là nguyên nhân chính gây mù lòa, suy thận, đau thắt ngực, đột quỵ và hoại tử phải cắt cụt chi dưới.

Điều đáng lo ngại là sự gia tăng của bệnh tiểu đường không chỉ giới hạn ở các nước phát triển mà còn nhanh chóng lan rộng sang các nước đang phát triển. Cụ thể tại Việt Nam, các báo cáo điều tra năm 2021 cho thấy:

  • Có khoảng 5 triệu người mắc bệnh tiểu đường, tương đương với 7,1% dân số.
  • Việt Nam đứng thứ 141 trên bản đồ tiểu đường Thế giới, dựa theo tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường (20-79 tuổi).
  • Có đến 65% số người mắc bệnh tiểu đường thực tế không biết rằng họ đang sống chung với tình trạng này. Và có đến hơn 70% số bệnh nhân đã được chẩn đoán nhưng không được điều trị đúng cách tại các cơ sở y tế.
  • Hơn 1 nửa số bệnh nhân hiện mắc tiểu được đã phát hiện các biến chứng. Các biến chứng phổ biến bao gồm: biến chứng tim mạch (34%), biến chứng mắt và thần kinh (39,5%), biến chứng thận (24%).
  • Nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh đái tháo đường là thừa cân béo phìít hoạt động thể chất.

1.4. Mối liên quan giữa bệnh tiểu đường và các bệnh lý khác

Những người mắc bệnh tiểu đường luôn phải đối mặt với nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe khác nghiêm trọng hơn. Nghiên cứu tại Đại học Cambridge cho thấy những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 có nguy cơ mắc 57 bệnh lý khác cao hơn và sớm hơn 5 năm so với những người khác. Chúng bao gồm ung thư, bệnh thận và các bệnh về thần kinh.

  • Nguy cơ mắc ung thư cao hơn 9%
  • Nguy cơ mắc bệnh thận giai đoạn cuối cao gấp 5,2 lần
  • Nguy cơ mắc ung thư gan cao gấp 4,4 lần
  • Khả năng bị thoái hóa điểm vàng (mất thị lực trung tâm) cao gấp 3,2 lần
  • Nguy cơ xuất hiện các bệnh lý tim mạch cao hơn 1,6 lần

Việc phải sống chung với nhiều bệnh lý mãn tính khác là một đặc điểm của bệnh tiểu đường, Tại thời điểm chẩn đoán bệnh tiểu đường loại 2, 75% bệnh nhân mắc ít nhất một tình trạng mãn tính khác và 44% mắc ít nhất hai tình trạng khác. Điều này được giải thích là do nhiều bệnh lý. Đặc biệt là các bệnh lý chuyển hóa, có chung các yếu tố nguy cơ chính với bệnh tiểu đường. Điển hình là béo phì và cholesterol cao.

Phổ biến nhất là tiểu đường và tăng huyết áp. Vì cả 2 đều có liên quan đến nhiều bệnh khác và chúng đối xứng là yếu tố nguy cơ – biến chứng của nhau. Vì thế, nhiều chuyên gia cho biết, việc điều trị cả hai căn bệnh cùng một lúc sẽ mang lại kết quả tích cực hơn cho sức khỏe, hệ thống y tế và sự phát triển bền vững.

Đái tháo đường thường liên quan đến tăng huyết áp
Đái tháo đường thường liên quan đến tăng huyết áp

1.5. Độ tuổi dễ mắc bệnh tiểu đường

Dân số trưởng thành (20-79 tuổi) là nhóm được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường cao nhất. Tuy nhiên, độ tuổi dễ mắc bệnh khác nhau ở tiểu đường loại 1 và loại 2.

Đối với bệnh tiểu đường loại 1

Tiểu đường loại 1 thường được chẩn đoán ở thời thơ ấu hoặc giai đoạn thanh thiếu niên. Mặc dù bệnh thường khởi phát sớm, nhưng có đến 50% bệnh nhân mắc đái tháo đường loại 1 mới khởi phát đều trên 20 tuổi.

Đái tháo đường loại 1 thường bắt đầu ở trẻ từ 4 tuổi trở lên, xuất hiện khá đột ngột, với tỷ lệ khởi phát cao nhất ở độ tuổi 11-13 tuổi (tức là ở giai đoạn đầu tuổi thiếu niên và dậy thì).

Tại Hoa Kỳ, cứ 300 đứa trẻ thì sẽ có 1 em mắc tiểu đường loại 1 ở độ tuổi 20. Tỷ lệ này cao hơn ở những em có bố hoặc mẹ đã mắc tiểu đường loại 1.

Ngoài ra, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 1 ở độ tuổi cuối 30 đều 40 cũng khá cao, nhưng có xu hướng tiến triển chậm hơn và biểu hiện ít nghiêm trọng hơn. Dạng này được gọi là bệnh tiểu đường tự miễn tiềm ẩn ở người lớn (LADA)

Đối với bệnh tiểu đường loại 2.

Bệnh tiểu đường loại 2 khởi phát phổ biến nhất ở những người từ 45-64 tuổi, tức là độ tuổi trung niên Càng lớn tuổi, nguy cơ mắc tiền tiểu đường và tiểu đường loại 2 càng cao. Đó là vì gia tăng các yếu tố nguy cơ.

Tuy nhiên, những năm gần đây, xu hướng trẻ em và thanh thiếu niên mắc đái tháo đường loại 2 đang gia tăng. Nguyên nhân chính của sự dịch chuyển này là lối sống không lành mạnh. Cụ thể bao gồm chế độ ăn uống không cân đối và thiếu vận động.

1.6. Đối tượng dễ mắc bệnh tiểu đường

Bên cạnh tuổi tác thì những người có đặc điểm sau đây được cho là dễ mắc bệnh tiểu đường hơn:

  • Có lối sống không lành mạnh (béo phì hoặc ít vận động)
  • Là nam giới (đối với bệnh tiểu đường loại 2)
  • Đã từng mắc tiền tiểu đường hoặc tiểu đường thai kỳ
  • Gia đình có người bị tiểu đường
  • Là người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Ấn Độ, người Mỹ gốc Á, người đảo Thái Bình Dương hoặc người gốc Tây Ban Nha.

Hãy chú ý rằng, bạn có nhiều nguy cơ mắc tiểu đường tuýp 2 hơn nếu bạn trên 45 tuổi, có tiền sử gia đình mắc tiểu đường hoặc béo phì sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh.

2. Dấu hiệu, triệu chứng của bệnh tiểu đường

Các triệu chứng của bệnh tiểu đường khá điển hình. Tuy nhiên, một số người mắc bệnh tiểu đường chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ đến mức dễ bị bỏ qua. Cụ thể, các triệu chứng thường gặp của bệnh tiểu đường bao gồm:

  • Đi tiểu nhiều lần
  • Cảm thấy rất khát
  • Dễ cảm thấy đói, mặc dù vừa ăn xong
  • Mờ mắt
  • Thường cảm thấy mệt mỏi
  • Sút cân, ngay cả khi ăn nhiều hơn (thường gặp ở tuýp 1)
  • Ngứa ran, đau hoặc tê ở tay/ chân (thường gặp ở tuýp 2)
  • Dễ bị nhiễm trùng, vết thương lâu lành

Những triệu chứng này có thể xuất hiện ở bất kỳ ai và không cố định. Tuy nhiên 4 triệu chứng phổ biến nhất mà nhiều người mắc bệnh tiểu đường gặp phải là khát nước nhiều, đi tiểu nhiều, cảm thấy mệt mỏi và sụt cân. Hãy liên hệ với bác sĩ hoặc tới các cơ sở y tế để được kiểm tra nếu bạn nhận thấy cơ thể mình hoặc người thân đang có các dấu hiệu trên.

Các triệu chứng điển hình của bệnh tiểu đường
Các triệu chứng điển hình của bệnh tiểu đường

3. Biến chứng của bệnh đái tháo đường

Tình trạng tăng đường huyết trong bệnh lý đái tháo đường kéo theo rất nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Biến chứng tiểu đường được chia thành 2 nhóm chính là biến chứng vi mạch và biến chứng mạch máu lớn.

3.1. Các biến chứng vi mạch

Vi mạch tức là mạch máu nhỏ. Biến chứng vi mạch của bệnh tiểu đường là những biến chứng lâu dài ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ. Những bộ phận chịu tác động mạnh nhất bao gồm võng mạc, thận, dây thần kinh. Vì những bộ phận này có nhiều mạch máu nhỏ. Hậu quả tương ứng của các biến chứng này có thể là mù lòa, suy giảm chức năng thận, hoại tử phải cắt cụt chi.

3.2. Các biến chứng mạch máu lớn

Biến chứng mạch máu lớn của bệnh tiểu đường chủ yếu liên quan đến động mạch vành, động mạch ngoại biên và mạch máu não. Các tác động sớm có thể là các mảng xơ vữa động mạch trong mạch máu cung cấp máu cho tim, não, tứ chi và các cơ quan khác. Lâu dần, bệnh nhân có thể bị tắc nghẽn mạch máu hoàn toàn. Từ đó, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim (MI), đột quỵ, đau thắt ngực, hoại tử, có thể dẫn đến tử vong.

3.3. Các biến chứng khác

Quá nhiều đường trong máu có thể dẫn đến một số biến chứng khác như: tổn thương răng và nướu, rối loạn tiêu hóa, suy giảm chức năng sinh dục, ung thư,…

4. Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường

Nguyên nhân chính xác của hầu hết các loại bệnh đái tháo đường vẫn chưa được hiểu rõ. Tình trạng nồng độ đường tăng cao trong máu được giải thích là do 2 nguyên nhân chính sau:

  • Giảm hoặc không sản xuất insulin: Insulin là hormone có vai trò hỗ trợ các tế bào của cơ thể sử dụng được đường glucose. Nhưng vì một lý do nào đó, các tế bào tuyến tụy ngừng hoặc giảm sản xuất insulin. Kết quả là đường trong máu không đến được các tế bào.
  • Tế bào kháng insulin: Tức là các tế bào không phải ứng với hormone insulin như bình thường. Điều này khiến cho các tế bào không thể sử dụng được đường glucose, cho dù glucose có rất nhiều trong máu.

Các yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường:

  • Yếu tố di truyền
  • Yếu tố môi trường
  • Thừa cân, béo phì và lười vận động
  • Một số bệnh lý gây đột biến gen
  • Thay đổi nội tiết tố
  • Tuyến tụy bị tổn thương hoặc bị cắt bỏ
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc
Béo phì là yếu tố nguy cơ chính gây tăng đường huyết
Béo phì là yếu tố nguy cơ chính gây tăng đường huyết

5. Khám, chẩn đoán bệnh đái tháo đường

Nếu bạn nhận thấy bản thân có các dấu hiệu trên, bạn nên đến các cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán xem có mắc bệnh tiểu đường không. Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh tiểu đường bằng xét nghiệm máu hoặc nước tiểu để xem lượng đường trong máu có cao hơn mức bình thường không. Bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện một số các xét nghiệm sau đây:

  • Xét nghiệm đường huyết lúc đói.
  • Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên.
  • Xét nghiệm đường huyết sau ăn 2 giờ.
  • Nghiệm pháp tăng đường huyết bằng đường uống.
  • Xét nghiệm đường niệu.
  • Xét nghiệm mức HbA1C (xác định mức đường huyết trung bình trong 3 tháng qua).

Tương ứng với các xét nghiệm trên, tiêu chí chẩn đoán bệnh đái tháo đường là:

  • Đường huyết lúc đói lớn hơn hoặc bằng 126 mg/dl.
  • Có các triệu chứng tiểu đường và đường huyết lớn hơn hoặc bằng 200 mg/dl.
  • Đường huyết sau ăn 2h lớn hơn hoặc bằng 200 mg/dl.
  • Đường huyết sau khi uống glucose lớn hơn hoặc bằng 200 mg/dl.
  • Phát hiện sự có mặt của Glucose trong nước tiểu.
  • Chỉ số HbA1C từ 6.5% trở lên.

Trong trường hợp bệnh nhân không có các triệu chứng rõ ràng của việc tăng đường huyết, việc chẩn đoán cần dựa trên 2 kết quả xét nghiệm bất thường từ cùng một mẫu hoặc từ hai mẫu xét nghiệm riêng biệt.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định bạn làm thêm các xét nghiệm khác để kiểm tra các tự kháng thể giúp xác định rõ là tiểu đường tuýp 1 hay tuýp 2.

6. Điều trị bệnh tiểu đường

Quy trình điều trị bệnh tiểu đường bao gồm giáo dục bệnh nhân, đánh giá các biến chứng và cố gắng đạt được mục tiêu điều trị.

6.1. Mục tiêu điều trị

Việc điều trị bệnh đái tháo đường cần bám sát các mục tiêu điều trị chung sau đây:

  • Quản lý tốt mức đường huyết: Mức đường huyết mục tiêu cần được điều chỉnh phù hợp với từng cá nhân, cân bằng giữa việc giảm thiểu các biến chứng, nguy cơ hạ đường huyết và các tác dụng phụ của thuốc
  • Quản lý tốt các yếu tố nguy cơ tim mạch: Kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch nên được ưu tiên hàng đầu đối với tất cả các bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 2.

6.2. Nguyên tắc điều trị chung

Việc điều trị bệnh đái tháo đường cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Thay đổi lối sống (bao gồm chế độ ăn và tập thể dục) phải là nền tảng và được tùy chỉnh cá nhân hóa theo mục tiêu điều trị.
  • Giáo dục bệnh nhân: Nhân viên y tế cần cung cấp các thông tin về bệnh và cách quản lý cho bệnh nhân, đặc biệt là việc tự kiểm soát đường huyết.
  • Nếu bệnh nhân không đáp ứng với các biện pháp thay đổi lối sống, nên bắt đầu điều trị bằng thuốc
  • Việc điều trị bằng thuốc cho người tiểu đường cần thận trọng để cân bằng giữa việc đạt được mục tiêu điều trị và giảm thiểu các tác dụng không mong muốn.

6.3. Phương pháp điều trị tiểu đường

Việc lựa chọn phương pháp điều trị cần được cân nhắc dựa trên mục tiêu điều trị và khả năng đáp ứng của bệnh nhân. Các phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường bao gồm:

Thay đổi lối sống

Đây là phương pháp đầu tiên và bắt buộc đối với mọi bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường. Thay đổi lối sống bao gồm: thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất thường xuyên.

Điều này giúp duy trì cân nặng hợp lý, kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ xuất hiện các biến chứng. Tuy nhiên, phương pháp này cũng cần được cá nhân hóa theo từng bệnh nhân. Điều này để tránh nguy cơ bị hạ đường huyết do ăn uống kiêng khem hoặc vận động quá mức.

Điều trị bằng thuốc

Nếu bạn mắc tiểu đường tuýp 1, bạn sẽ cần sử phải sử dụng insulin đường tiêm hoặc truyền để kiểm soát đường huyết. Sử dụng Insulin là phương pháp điều trị bắt buộc đối với tiểu đường loại 1.

Nếu bạn mắc tiểu đường tuýp 2, việc điều trị có thể bằng insulin hoặc các loại thuốc hạ đường huyết không insulin khác.

Trong trường hợp cần ngăn ngừa các biến chứng của bệnh, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thêm các loại thuốc khác. Chủ yếu là các thuốc bảo vệ tim mạch, thận hoặc các cơ quan bị ảnh hưởng.

Cấy ghép

Ở một số người mắc bệnh tiểu đường loại 1, phẫu thuật cấy ghép tuyến tụy có thể là một lựa chọn. Nếu thực hiện ghép tụy thành công, bệnh nhân sẽ không cần điều trị bằng insulin nữa. Tuy nhiên việc cấy ghép tốn khá nhiều chi phí và vẫn tồn tại các rủi ro nghiêm trọng.

Các phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường
Các phương pháp điều trị bệnh đái tháo đường

7. Chăm sóc bệnh tiểu đường

Tiểu đường là bệnh lý mãn tính, việc chữa khỏi hoàn toàn khá khó khăn. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát tốt bệnh lý này bằng áp dụng nguyên tắc 5T sau:

  • Thức ăn: Đảm bảo dinh dưỡng cân đối với lượng carbohydrates, protein, và chất béo phù hợp. Chú ý hạn chế đường và các thực phẩm không lành mạnh.
  • Thể dục: Tập thể dục đều đặn với cường độ vừa phải giúp kiểm soát đường huyết và cân nặng.
  • Thuốc (hoặc Tuân thủ điều trị): Đảm bảo uống thuốc đúng cách, đúng giờ, đúng liều lượng để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất
  • Theo dõi: Thường xuyên tái khám để được kiểm tra tổng quát và đánh giá các biến chứng tiềm ẩn. Đồng thời, cần chủ động theo dõi đường huyết tại nhà và trang bị các kiến thức để ứng phó nếu tình trạng sức khỏe xấu đi.
  • Tâm lý: Thống kê cho thấy, những người mắc bệnh đái đường có tỷ lệ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần cao hơn. Vì thế, người bệnh cần được hỗ trợ về mặt cảm xúc và tâm lý. Gia đình cần quan tâm, động viên người bệnh. Ngoài ra, bệnh nhân có thể phải đi gặp bác sĩ tâm lý thếu tinh thần bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

8. Một số câu hỏi thường gặp về bệnh đái tháo đường

Khác với các bệnh lý về tim mạch hay hô hấp, đang dần được kiểm soát, số lượng người mắc bệnh tiểu đường vẫn tăng rất nhanh theo từng năm. Điều này thật đáng báo động.

8.1. Bệnh tiểu đường có nguy hiểm không?

Các cảnh báo về bệnh đái tháo đường trên truyền thông khiến cho người bệnh lo lắng và đặt ra câu hỏi Bệnh tiểu đường có nguy hiểm không. Câu trả lời chính xác là Có. Theo các báo cáo mới nhất, tỷ lệ tử vong do bệnh tiểu đường đứng hàng thứ 5 trong danh sách các nguyên nhân gây tử vong ở các nước phát triển. Các chuyên gia đánh giá đây là căn bệnh nguy hiểm thứ 3, sau tim mạch và ung thư.

Cơ chế bệnh tiểu đường đặc trưng bởi tình trạng cơ thể bạn không sản xuất đủ insulin hoặc không thể sử dụng hormone này hiệu quả như bình thường. Khi không có đủ insulin hoặc tế bào ngừng phản ứng với insulin, lượng đường trong máu sẽ tăng cao bất thường. Theo thời gian có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Chẳng hạn như bệnh tim, suy giảm thị lực, suy giảm chức năng thận, hoại tử chi và tồi tệ nhất là tử vong.

Tuy nhiên, người bệnh nên giữ tâm lý bình tĩnh, không nên quá lo lắng. Bởi nếu kiểm soát tốt bệnh tiểu đường, thông qua lối sống và dùng thuốc, người bệnh có thể tránh được các biến chứng nguy hiểm

8.2. Bệnh tiểu đường có di truyền không?

Nếu trong gia đình bạn có người bị bệnh tiểu đường, chắc hẳn bạn sẽ lo lắng về việc Bệnh tiểu đường có di truyền không. Câu trả lời là Có. Bệnh tiểu đường có khả năng di truyền nhưng không phải là tất cả. Vì khả năng di truyền của bệnh tiểu đường không chỉ phụ thuộc vào gen mà còn phụ thuộc vào môi trường sống.

Đối với bệnh tiểu đường loại 1:

Bệnh tiểu đường loại 1 di truyền chủ yếu do gen.

Nếu bạn là nam giới và mắc bệnh tiểu đường loại 1, tỷ lệ con bạn cũng mắc bệnh tiểu đường là 1/17 (5.9%).

Nếu bạn là phụ nữ mắc bệnh tiểu đường loại 1 và sinh con trước 25 tuổi thì nguy cơ em bé mắc tiểu đường là 1/25 (4%). Còn trong tường hợp bạn sinh con sau tuổi 25 thì nguy cơ của con bạn là 1/100 (1%).

Nguy cơ mắc đái tháo đường của đứa trẻ sẽ tăng gấp đôi nếu bố hoặc mẹ chúng khởi phát bệnh tiểu đường trước 11 tuổi.

Trường hợp cả bố và mẹ đều mắc tiểu đường loại 1 thì nguy cơ đứa trẻ sinh ra mắc tiểu đường dao động từ 1/10 đến 1/4 (10%-25%)

Đối với bệnh tiểu đường loại 2

Bệnh tiểu đường loại 2 có mối liên hệ chặt chẽ hơn với lịch sử gia đình và dòng dõi so với loại 1. Ngoài ra, nó còn phụ thuộc vào yếu tố môi trường sống. Vì các thành viên trong gia đình thường có thói quen ăn uống và sinh hoạt giống nhau.

Điển hình là việc trẻ em sẽ học được các thói quen xấu từ người lớn. Ví dụ như thích ăn các thực phẩm nhiều đường, ít hoặc không tập thể dục. Vì thế, cha mẹ cần chủ động thay đổi lối sống của gia đình để ngăn ngừa bệnh tiểu đường.

Bệnh đái tháo đường có khả năng di truyền
Bệnh đái tháo có khả năng di truyền

8.3. Bệnh tiểu đường có chữa khỏi được không?

Với câu hỏi Bệnh tiểu đường có chữa khỏi được không, thì câu trả lời là KHÔNG THỂ CHỮA KHỎI HOÀN TOÀN được. Hiện nay, chưa có thuốc chữa khỏi bệnh tiểu đường và người tiểu đường sẽ phải dùng thuốc suốt đời để kiểm soát bệnh. Đó cũng là một trong những lý do khiến bệnh tiểu đường trở nên nguy hiểm.

Tuy nhiên, việc tuân thủ điều trị một cách tích cực sẽ giúp bệnh nhân đạt được mức đường huyết ổn định, thậm chí là trở về mức bình thường (thuyên giảm hoàn toàn). Trên thực tế, đã có rất nhiều bệnh nhân kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường, nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.

Thêm vào, các nhà khoa học đang thực hiện các nghiên cứu mới giúp người bệnh quản lý bệnh tiểu đường tốt hơn. Đặc biệt là với bệnh tiểu đường loại 2.

Còn đối với bệnh tiểu đường loại 1, cấy ghép có lẽ là phương pháp gần nhất để chữa khỏi bệnh thực sự. Tuy nhiên, có quá nhiều rủi ro khi thực hiện loại phẫu thuật này. Và nếu phẫu thuật thành công, thay vì phải uống thuốc tiểu đường, người bệnh vẫn phải uống thuốc chống đào thải suốt đời.

>>> Đọc thêm: Người bệnh tiểu đường ăn trứng được không?

8.4. Bệnh tiểu đường sống được bao lâu?

Lo ngại về những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường, nhiều người đặt ra câu hỏi Bệnh tiểu đường sống được bao lâu. Theo một số báo cáo, nam giới mắc bệnh tiểu đường có tuổi thọ trung bình là 77 tuổi, với nữ giới là 81 tuổi.

Một số thống kê cho thấy, người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể bị giảm tới 10 năm tuổi thọ, tùy thuộc vào hiệu quả kiểm soát bệnh. Điều này được cho là ảnh hưởng của các biến chứng liên quan đến mắt, thận và tim mạch.

Tuy nhiên, những cải tiến trong chăm sóc bệnh tiểu đường ở những năm gần đây cho thấy, người mắc bệnh tiểu đường có thể sống lâu hơn đáng kể. Vì vậy, việc tuân thủ điều trị để suy trì mức đường huyết ổn định và thực hiện lối sống lành mạnh là rất cần thiết để kéo dài tuổi thọ ở người bệnh tiểu đường.

Tóm lại, để không phải lo lắng về cách chữa dứt điểm bệnh tiểu đường thì chúng ta cần chủ động ngăn chặn bệnh lý này từ sớm. Hãy thay đổi chế độ ăn uống và thực hiện khám sàng lọc bệnh tiểu đường nếu cần.

Trên đây là một số chia sẻ của Omikami về Bệnh tiểu đường. Hy vọng bạn đọc sẽ có thêm nhiều kiến thức về bệnh lý này để có phương pháp điều trị và phòng ngừa tốt nhất.

Sữa hạt Omikami

Sữa Hạt Tiểu Đường Và Tiền Tiểu Đường Omikami

Cung cấp năng lượng cho người tiểu đường. Bổ sung 28 vitamin và dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Ổn định đường huyết, hạn chế tối đa biến chứng tiểu đường. Cung cấp dinh dưỡng cho người ăn chay và ăn kiêng ️🎉 Tặng kèm 1 túi hạt macca và 1 cốc thủy tinh

900.000 đ7.200.000 đ

Xem thêm

5/5 - (1 bình chọn)
Chia sẻ ngay, nếu bạn thấy hữu ích:
0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận